Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

Thị trấn Hữu Lũng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, trải qua cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược và chế độ phong kiến bóc lột. Ngay từ những năm 1960 trở về trước, khi chưa hình thành thị trấn nơi đây chỉ là “phố huyện”, người dân thường gọi là phố Mẹt. Từ khi cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc dân chủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo được mở rộng và phát triển đến Hữu Lũng, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân các dân tộc huyện Hữu Lũng nói chung và nhân dân phố Mẹt nói riêng đã thể hiện lòng yêu nước đi theo Đảng xây dựng các tổ chức cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách xây dựng quê hương và đóng góp sức người, sức của cùng nhân dân cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước, giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.

Ngày 19 tháng 01 năm 1965, thị trấn Hữu Lũng được thành lập. Ngay sau đó, Chi bộ Đảng Cộng sản thị trấn Hữu Lũng ra đời, lãnh đạo nhân dân vừa kiên cường chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bảo vệ quê hương, tích cực đóng góp sức người, sức của chi viên cho chiến trường, với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, làm tròn nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến lớn ở miền Nam, góp phần vào chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975.

Trong thời kỳ xây dựng đất nước và những năm chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc, Đảng bộ thị trấn lãnh đạo nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo vượt qua những khó khăn, thử thách khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ thị trấn không ngừng phấn đấu vươn lên xây dựng Đảng bộ vững mạnh, động viên nhân dân xây dựng thị trấn trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của huyện Hữu Lũng, tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đầu thời Nguyễn, huyện Hữu Lũng có 4 tổng với 28 xã (các tổng là Hữu Thượng, Hưng Vĩ, Vân Nham, Thuốc Sơn), huyện lỵ được đặt ở tổng Hữu Thượng. Ngày 05 tháng 11 năm 1889, sau khi hoàn tất việc đánh chiếm tỉnh Bắc Ninh, chính quyền thực dân Pháp cắt toàn bộ đất đai của Hữu Lũng, Lục Ngạn và một phần đất Bảo Lộc lập nên tỉnh Lục Nam. Tháng 8 năm 1891, tỉnh Lục Nam được thay đổi bằng đạo quân quan binh Phả Lại để phù hợp với yêu cầu chiến tranh của bọn thực dân phong kiến. Ngày 10  tháng 10 năm 1895, giải tán đạo quân quan binh Phả Lại, khi đó tỉnh Bắc Giang được thành lập, phần đất Hữu Lũng lại sáp nhập với Lạng Giang trở thành huyện Kế Từ. Ngày 11 tháng 4 năm 1900, sau khi tách ra từ huyện Kế Từ, huyện Hữu Lũng được tái lập gồm 15 xã thuộc 02 tổng Vân Nham và Thuốc Sơn của tỉnh Bắc Giang, huyện lỵ được đặt ở xã Chiêu Tuấn, tổng Vân Nham huyện Hữu Lũng, khu vực huyện lỵ người dân thường gọi là phố Mẹt. Đến năm 1908 đổi thành châu Hữu Lũng, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 châu Hữu Lũng đổi thành huyện Hữu Lũng. Năm 1948 huyện sáp nhập xã Chiêu Tuấn với xã Cù Sơn đổi tên thành xã Tuấn Sơn huyện Hữu Lũng tỉnh Bắc Giang. Cuối năm 1953 xã Tuấn Sơn được tách ra thành 4 xã đó là xã Hoà Thắng, Minh Hoà, Minh Sơn và xã Sơn Hà, trong thời gian này phố Mẹt đổi tên là xóm An Ninh thuộc xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang. Ngày 29 tháng 7 năm 1956, Hữu Lũng trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Lạng Sơn bao gồm 24 xã. Theo Quyết định số 17/QĐ-NV, ngày 19 tháng 01 năm 1965 của Bộ Nội vụ, thị trấn Hữu Lũng được thành lập gồm: xóm An Ninh, xóm Tân Lập, xóm Cầu Mười và khu nhà Trạm, nhà Thờ cũ thuộc xóm Gai của xã Sơn Hà và xóm Tân Mỹ, xóm Na Đâu của xã Đồng Tân thuộc huyện Hữu Lũng. Sau một thời gian sắp xếp bộ máy chính quyền đến ngày 30 tháng 5 năm 1965 huyện tổ chức mít tinh tại sân vận động huyện để công bố Quyết định về việc thành lập thị trấn Hữu Lũng gồm có 05 khu phố là: khu An Ninh (gồm An Ninh, nhà Trạm, nhà Thờ), khu Tân Lập, khu Cầu Mười, khu Na Đâu, khu Tân Mỹ. Để đáp ứng với yêu cầu và sự phát triển của đất nước. Năm 2001 khu Tân Mỹ được tách ra làm 02 khu là khu Tân Mỹ 1 và khu Tân Mỹ 2. Năm 2005 khu An Ninh được tách ra làm 02 khu là khu An Ninh và khu An Thịnh, khu Tân Lập được tách ra làm 02 khu là khu Tân Lập và khu Tân Hòa. Hiên nay thị trấn Hữu Lũng có 08 khu gồm: An Ninh, An Thịnh, Tân Mỹ 1, Tân Mỹ 2, Na Đâu, Cầu Mười, Tân Lập và Tân Hòa. Tổng diện tích tự nhiên là 488.38ha, đất nông nghiệp 331.42ha (trong đó đất lâm nghiệp 131.52 ha và đất sản xuất nông nghiệp 187.8.ha), đất phi nông nghiệp 156.96 ha.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, mảnh đất này luôn là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của các triều đại. Tuy là một thị trấn trẻ, nhưng đất và người nơi đây đã gắn liền với truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện.

Thị trấn Hữu Lũng là một đơn vị hành chính của huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn, phía bắc giáp xã Đồng Tân, phía đông giáp xã Sơn Hà, phía tây giáp xã Nhật Tiến, phía nam giáp xã Minh Sơn. Đầu thế kỷ XX, ngày 11 tháng 4 năm 1900, Hữu Lũng nằm trong tỉnh Bắc Giang đến năm 1908 đổi thành châu Hữu Lũng gồm 2 tổng, 15 xã. Thị trấn Hữu Lũng được phát triển từ phố Mẹt thuộc xã Chiêu Tuấn tổng Vân Nham, châu Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang, vì thế ngày nay khách thập phương vẫn thường gọi thị trấn Hữu Lũng là thị trấn Mẹt, ngày đó dân cư thưa thớt phố Mẹt có khoảng 40 - 50 hộ. Năm 1965, thị trấn Hữu Lũng mới thành lập dân số có 1.996 người.

Thị trấn Hữu Lũng có chợ trung tâm, là đầu mối giao lưu giữa miền núi và miền xuôi, phát triển kinh tế chủ yếu là thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp chiếm khoảng 90%, nông nghiệp chiếm 10%; có quốc lộ 1a cũ và tuyến đường 242 chạy qua. Dân số của thị trấn là 3.252 hộ, với trên 11.600 nhân khẩu, có 04 dân tộc chủ yếu đó là Tày, Nùng, Kinh, Hoa và một số dân tộc khác, được chia thành 08 khu phố trên địa bàn thị trấn Hữu Lũng.

Đảng bộ thị trấn có 16 chi bộ trực thuộc, trong đó có 08 chi bộ khu phố, 06 chi bộ nhà trường, 01 chi bộ quân sự và 01 chi bộ Công an. Tổng số đảng viên toàn đảng bộ là 790 đ/c. Đảng ủy thị trấn đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo HĐND, UBND, UBMTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tổ chức quán triệt, phổ biến, triển khai công tác tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

 Thuận lợi: Trong những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế Thế giới, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước có nhiều biến động do khủng hoảng tài chính kinh tế Thế giới. Song, dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng ủy thị trấn Hữu Lũng, sự giám sát của HĐND, sự chỉ đạo điều hành của Uỷ ban nhân dân thị trấn, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các tầng lớp Nhân dân thị trấn Hữu Lũng, tình hình chính trị ổn định, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển. Nhân dân các dân tộc thị trấn luôn đoàn kết, tích cực thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong Nhân dân; Thu ngân sách hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục phát triển, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác triển khai các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm trên địa bàn được triển khai thực hiện kịp thời. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm củng cố, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thị trấn Hữu Lũng đạt trong sạch vững mạnh 4 năm liên tục giai đoạn 2020-2023.

          Khó khăn:  Do địa bàn của thị trấn đông dân cư, tình hình tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn; việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi bán hàng còn tái diễn, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn thấp.

                                                                                                           Vũ Mến, VH-XH

 

About